Sự thật sau bức ảnh "cụ bà ăn xin bị con cháu phát hiện có 9 bao tiền": Hoàn cảnh đáng thương, con gái m.ất tích từ lâu
Ngay khi mạng xã hội lan truyền thông tin phát hiện một cụ bà ăn xin ở Nam Định có 9 bao tiền, chính quyền và người dân nơi đây đã lên tiếng, nói rõ sự tình.
Cụ bà ăn xin gây xôn xao mạng xã hội
Tối 13/5, nhiều trang mạng xã hội đăng tải thông tin phát hiện một cụ bà ăn xin ở khu vực chợ Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) có 9 bao tiền lẻ.
Bài viết còn kèm theo hình ảnh nhiều người trẻ tuổi hỗ trợ cụ bà kiểm đếm số tiền trải đầy trên sàn nhà.
Bên dưới bài đăng, cộng đồng mạng để lại vô số bình luận tiêu cực về cụ và gia đình.
Hình ảnh cụ bà và người thân đếm tiền gây xôn xao mạng xã hội.
Nhiều người cho rằng, cụ bà lợi dụng tình thương của người khác, kiếm đến 9 bao tiền. Một số tài khoản còn ước tính số tiền của cụ bà phải hơn 100 triệu đồng.
Song song làn sóng chỉ trích, một vài người nhận là người cùng làng, lên tiếng “giải oan” cho cụ bà.
Tài khoản Thìn Lê ở Nam Định chia sẻ: “Thực sự, cụ bà ăn xin có hoàn cảnh khó khăn.
Cụ có một con gái nhưng cô này mất tích đã lâu. Vì thương nhớ con gái, cụ phát bệnh tâm thần nhẹ rồi đi ăn xin, nhặt phế liệu.
Người làng Hành Thiện rất thương cụ, chủ động cho tiền, chứ không bị lừa gạt. Cụ xin được bao nhiêu đều đem cất vào bao, không tiêu một đồng nào. Cụ cũng không mua cơm mà thích đi xin ở các hàng quán.
Tôi rất mong mọi người thương và trả lại cuộc sống bình yên cho cụ. Đọc những bình luận tiêu cực, tôi thấy đau lòng vô cùng”.
Trên trang Hanh Thien Village, người quản lý trang kêu gọi người làng cùng lên tiếng để cộng đồng mạng biết sự thật về cụ bà ăn xin. Lời kêu gọi này được người làng Hành Thiện hưởng ứng, đưa thông tin đính chính vụ việc.
Thông tin cụ bà ăn xin có 9 bao tải tiền lẻ là chưa chính xác.
Tài khoản Lã Thị Là cho biết: “Cụ bà không tỉnh táo, tính tình thật thà. Cụ không sử dụng tiền, toàn đi xin cơm của người ta.
Tiền mọi người cho, cụ đều cất hết, không đụng đến một đồng. Số tiền mọi người nhìn thấy trong ảnh có lẽ phải tích góp trong hơn 40 năm.
Ngôi nhà mọi người ngồi đếm tiền trong các hình ảnh trên mạng là của họ hàng xa, chứ không phải nhà cụ. Cụ sống chung gia đình em trai trong ngôi nhà cổ lụp xụp, nhỏ xíu”.
Chính quyền và người làng Hành Thiện lên tiếng
Trao đổi với PV VietNamNet, chị Nguyễn Thị Nhung (30 tuổi, xã Xuân Hồng) cho biết: “Tôi bán hàng ở chợ Hành Thiện. Ngày mưa hay nắng, tôi đều thấy cụ đi loanh quanh trong chợ xin tiền.
Cụ có nhà riêng nhưng cũ kỹ, không phải nhà to như trong các ảnh đang lan truyền. Với lại, cụ làm gì có 9 bao tải tiền lẻ, chỉ khoảng 3-4 bao.
Cụ hiền lành, thỉnh thoảng xin mà ai không cho thì lẩm bẩm vài câu. Cụ chửi nhưng không có ác ý, chỉ là thần kinh của cụ không bình thường”.
Cụ Nhâm và mọi người kiểm đếm tiền trong nhà của người thân.
Từ đêm 13/5, chị Thu Thủy (28 tuổi, quê Nam Định) cũng chủ động đính chính giúp cụ bà xin ăn. Chị Thủy đang sinh sống ở nước ngoài nhưng còn bố mẹ sống tại làng Hành Thiện.
Xưa nay, nhà bố mẹ chị Thủy gần sát nhà cụ bà ăn xin. Cho nên, chị rất rõ gia cảnh của cụ.
Chị Thủy kể, cụ bà được người trong làng gọi là cụ Ghẻ, sống ở cuối xóm 9 cũ (nay là xóm 5, xã Xuân Hồng). Cụ bà lớn tuổi, tâm thần không bình thường, không biết chữ và không biết đếm. Mấy chục năm qua, cụ chỉ đi xin tiền trong làng, chưa bao giờ ra ngoài.
Ngoài tiền, trong các bao tải được tìm thấy ở nhà cụ Ghẻ có rất nhiều cơm nguội phơi khô, đồng nát, phế liệu.
“Mọi người biết tin cụ bà bị bàn tán xôn xao trên mạng xã hội thì càng thương hơn. Họ không thấy phiền lòng hoặc có cảm giác bị cụ lừa. Thậm chí, người làng còn cho cụ nhiều hơn”, chị Thủy chia sẻ.
Thông tin với PV VietNamNet, lãnh đạo xã Xuân Hồng cho biết: “Cụ bà ăn xin mà mạng xã hội xôn xao có tên thật là Nguyễn Thị Nhâm. Cụ hơn 80 tuổi, được mọi người gọi bằng biệt danh cụ Ghẻ.
Cụ Nhâm sống ở xóm 5, xã Xuân Hồng, có một người con gái nhưng mất tích đã lâu. Hiện tại, cụ ở chung nhà với gia đình em trai.
Tinh thần của cụ bà không minh mẫn. Dù sống chung nhà nhưng cụ bà ở một gian riêng, tách biệt với gia đình em trai.
Trước đây, em trai thấy cụ đi xin tiền thì ra lời ngăn cản nhưng cụ không nghe, dẫn đến cãi nhau, giận dỗi.
Từ đó, em trai không nói, không can thiệp những việc cụ Nhâm làm. Tuy nhiên, người này có tâm sự, sẽ lo lắng khi cụ Nhâm đau ốm và qua đời”.
Theo lãnh đạo địa phương, cụ Nhâm đang hưởng trợ cấp khuyết tật tâm thần. Mỗi ngày, cụ đi xin tiền, được đồng nào đều nhét vào các bao tải. Anh em, họ hàng không hay biết cụ cất tiền ở đâu.
“Thông tin có 9 bao tải tiền là chưa chính xác, đồn thổi. Bà cụ chủ yếu nhặt ve chai, phế liệu chất đầy nhà.
Từ trước đến nay, cụ không cho ai động vào đồ đạc, chưa dọn dẹp chỗ ở bao giờ. Lần này, em dâu của cụ bệnh nặng, người nhà bảo phải dọn dẹp nhà cửa để phòng chuyện không may thì cụ mới cho.
Nghe đâu, số ve chai, phế liệu của cụ đem bán được khoảng vài triệu đồng, còn số tiền thì tôi không rõ, gia đình không tiết lộ”, lãnh đạo địa phương cho biết.
Hành Thiện là ngôi làng cổ yên bình, người dân sống chan hòa, tương thân tương ái. Ảnh: Hanh Thien Village
Dù tinh thần không ổn định nhưng cụ Nhâm bảo quản tiền chế độ hàng tháng rất kỹ. Mấy lần cán bộ UBND xã Xuân Hồng chứng kiến cụ nhận tiền, gói ghém cẩn thận vào túi nilon. Hôm phát hiện các bao tải tiền lẻ, mọi người thấy số tiền hàng tháng cụ Nhâm lĩnh còn đủ.
Biết hoàn cảnh cụ neo đơn, dịp lễ Tết, chính quyền địa phương đều đến thăm hỏi.
Những ngày qua, thông tin cụ Nhâm bị cộng đồng mạng thêu dệt khiến người dân và chính quyền xã Xuân Hồng xót xa. Bởi, làng Hành Thiện vốn sống đúng với tên gọi “nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện”. Người làng luôn tương trợ lẫn nhau.
“Do đó, chuyện cụ Nhâm được nhiều tấm lòng nhân ái quan tâm không có gì xa lạ. Tôi mong mọi người có cái nhìn đa chiều, ngừng bình luận những lời không hay về cụ Nhâm và người thân”, đại diện UBND xã Xuân Hồng chia sẻ.
Comments
Post a Comment